Quan trọng nên thay đổi tư tưởng và thái độ ù lỳ, ngại thay đổi của mình, có những chuyện nghĩ rằng mình không bao giờ làm được thực ra không ghê gớm như mình tưởng.
Tôi 44 tuổi, sinh ra trong một gia đình đông anh em, cha là ngư dân còn mẹ buôn bán ngoài chợ cá, người già và trẻ em ở nhà đan lưới cá hoặc đi bán hải sản dạo cho khách du lịch. Cuộc sống nghèo khó khiến tôi luôn khát khao đổi đời, muốn thoát khỏi vùng quê nghèo ấy mãi không bao giờ trở lại. 18 tuổi tôi gặp anh (giờ là chồng cũ), sinh viên năm cuối trường Luật, theo trường đi công tác tình nguyện tại vùng biển nơi tôi sống. Anh cao ráo, trắng trẻo, rất khác thanh niên quê tôi. Sau nhiều lần tình cờ gặp mặt, anh ngỏ lời yêu tôi. Thời ấy rất trọng "môn đăng hộ đối", gia đình anh lại có địa vị ở thành phố, cả hai vượt qua nhiều khó khăn đến với nhau, rồi hai con trai chúng tôi lần lượt ra đời khỏe mạnh, tôi ở nhà nội trợ.
Anh vừa là giáo sư trường đại học danh tiếng vừa mở văn phòng luật riêng, đồng thời là cố vấn luật pháp cho một số ngân hàng, doanh nghiệp. Ai cũng khen tôi may mắn có chồng giỏi, chỉ việc ở nhà ăn sung mặc sướng. Nào ai biết cuộc hôn nhân kéo dài 19 năm thì gần chục năm chồng tôi ngoại tình. Cô bồ của anh làm việc tại tòa án, có gia đình, chồng cô ta lúc trước là kỹ sư công trình sau bị tai nạn lao động nên ở nhà lo nhà cửa và làm những việc lặt vặt đủ tiền trà nước.
Ban đầu là những tin nhắn cô ta hỏi thăm, than thở tâm sự, so sánh rồi khen chồng tôi này nọ, tôi đọc được và nhắc nhở anh giữ chừng mực, anh cười xua tay bảo chẳng có gì. Tôi chủ quan nghĩ họ đã chấm dứt, không ngờ họ thường xuyên gửi mail, chat yahoo và nhắn tin, gọi điện trong giờ hành chính. Tan giờ làm họ trở về là ông chồng cô vợ của gia đình. Họ sắm điện thoại riêng tiện liên lạc ở cơ quan không mang về nhà, thường gặp nhau ở nhà nghỉ xa thành phố nên chẳng ai hay biết.
Mối quan hệ ấy kéo dài năm năm tôi mới phát hiện vì tìm thấy hóa đơn tiền khách sạn trong túi quần chồng. Tôi theo dõi và lưu lại bằng chứng, lúc đầu anh còn lấp liếm đủ lý do; khi tôi làm dữ, dọa mời bố mẹ chồng sang nói rõ mọi chuyện anh mới nhận. Tôi khóc lóc, sỉ vả, ghen tuông, đòi tự sát, anh thề thốt sẽ chấm dứt với cô ta. Tôi không tin anh nữa bởi trong lời nói chẳng chút thành tâm hối lỗi, mối quan hệ nhiều năm làm sao chấm dứt dễ dàng được.
Vài tháng sau tôi lại bắt gặp anh vui vẻ đi khách sạn với cô ta, cả hai tìm đủ mọi cách để có cơ hội hú hí với nhau. Chồng tôi đi suốt, chuyện chăn gối xao nhãng, hỏi tới thì anh giải thích đang bận theo dõi vụ án nghiêm trọng, rồi hướng dẫn sinh viên làm khóa luận nên ở lại làm thêm, rồi lý do đi công tác về mệt nên lăn ra ngủ. Tôi đòi hỏi nhiều anh cũng qua loa cho xong, còn trách vợ không thông cảm cho chồng, thế mà chiều nào anh cũng có thời gian đi ngoai tinh với tình nhân. Chắc dân trí thức họ hả hê lắm với kế hoạch thông minh của mình, xem tôi và chồng cô kia như hai kẻ ngốc.
Tôi đem bằng chứng đến gặp chồng cô ta rồi đành thở dài ra về bởi anh chồng kia cũng biết từ lâu nhưng mặc kệ để khỏi tan nát gia đình. Suốt hai năm tiếp theo, dù làm đủ mọi cách nặng nhẹ, khuyên nhủ, cứng mềm cũng không tác dụng. Chồng tôi ngày càng trắng trợn, công khai chuyện ngoại tình, sớm đi tối về. Anh như một con người khác, lạnh nhạt hờ hững, sống chung nhà suốt thời gian dài chẳng trò chuyện với vợ, anh ngang nhiên trò chuyện với nhân tình trước mặt con cái.
Có lần tôi bực tức mắng anh quá đáng, dọa sẽ bung bét mọi chuyện để anh và cô ta thân bại danh liệt cũng là lúc anh ngửa bài "Tôi chán cái nhà này lắm rồi. Cô biết điều thì sống, con cái được học trường tốt có tương lai, còn không thì ly dị. Con tôi sẽ nuôi, tôi cho cô một số tiền rồi cô cút đi đâu thì cút. Đã ra đi sau này không được nhận con nữa, cô không có tiền lấy gì nuôi tụi nó". Đỉnh điểm là khi con trai lớn của tôi cùng đám bạn chung lớp thấy cảnh bố dắt tay bồ bước ra từ khách sạn. Nó bắt đầu phản kháng vì bạn bè biết chuyện bàn tán khiến nó xấu hổ không dám đến trường, cả tháng cúp tiết đi điện tử, cà phê, còn tập tành hút thuốc, đánh nhau gây sự với cảnh sát giao thông.
Chồng tôi tức giận đem sách vở con ra đốt, nó vào đốt phụ, anh mắng chửi "Đồ đàn bà không biết dạy con, nó theo gen nhà cô nên ngu dốt, người ta cười vào mặt tôi. Bố là giáo sư mà có thằng con hư hỏng". Chồng và con trai tôi cãi nhau kịch liệt, con trai nhỏ càng lầm lì ít nói. Con lớn bị đình chỉ học tập một tháng để xem xét đạo đức, nó tụ tập đi nhảy nhót, tiêu tiền cho gái và đám bạn, suốt ngày say xỉn, gặp mặt bố là móc mỉa chọc tức rồi lại cãi nhau.
Tôi khóc lóc xin con thì nó phì phèo thuốc "Tiền ông già để đó mình không tiêu ông cũng đem cho gái. Giờ chán quá không nhậu nhẹt thì làm gì đây. Mai mẹ cũng đi chơi xả láng đi". Tôi muốn thoát ra nhưng lại nhu nhược sợ mất con, gần 20 năm chỉ ở nhà nội trợ chưa đi làm bao giờ, ở thành phố cũng không có người quen. Giờ lớn tuổi lại không có bằng cấp, ly dị rồi lấy tiền đâu nuôi con. Tôi lần lữa thì chồng càng lấn tới.
Con trai lớn đòi phôtô bằng chứng ngoại tình của bố rồi thuê sinh viên đi rải khắp nơi cho mọi người biết, để họ thấy người thầy, người đồng nghiệp họ kính trọng thực chất là kẻ đạo đức giả. Anh tức phang ghế vào đầu con chảy máu, cấm con nói động đến người anh yêu. Một năm sau khi cô bồ kia ly dị chồng thì vợ chồng tôi cũng ly hôn. Anh nhường quyền nuôi con cho tôi và chia nửa tài sản, tôi cười khẩy vào cái mác giáo sư của anh.
Cuộc đời tôi sang trang từ đây. Ba mẹ con thuê ngôi nhà một lầu trong xóm lao động ở tạm, tính toán làm gì để mưu sinh. Tôi chỉ biết nữ công gia chánh nên tầng dưới mở quán bán đồ ăn sáng, trưa bán cơm cho công nhân trong khu trọ, tối mở quán ốc kèm vài món ăn vặt. Con trai lớn tôi nửa buổi đi học, nửa buổi đi làm, cháu tìm đủ mọi cách để kiếm tiền phụ mẹ từ chạy bàn, phụ hồ, phát tờ rơi, bán hàng đa cấp đến viết bài cho một số báo, rồi sáng sớm đi giao thịt ở chợ, đi giao báo, đánh máy thuê.
Lên đại học cháu đi chụp ảnh thuê, đầu tư cơ sở dán vẽ nón bảo hiểm và điện thoại, bán hàng trên mạng; cháu thứ hai từ cấp ba vừa học ở trường vừa học nghề sửa xe, nó an ủi "Nghề sửa xe bây giờ hái ra tiền đó mẹ à, đừng coi thường". Sau bảy năm, quán cơm nhỏ của tôi đã chuyển ra mặt đường, nâng cấp thành dịch vụ cơm tiện lợi văn phòng. Tôi cũng đầu tư thêm tiệm cà phê sách, tiệm bán bánh và socola.
Con trai lớn đã tốt nghiệp thạc sĩ và mở công ty kiến trúc riêng, nhờ vào quan hệ khi còn làm phụ hồ cháu nhận thêm nhiều gói thầu xây dựng và các công trình rồi bỏ tiền mua đất xây nhà kinh doanh bất động sản. Con trai nhỏ đang học đại học năm cuối nhưng có cơ sở sửa xe gắn máy và ô tô, thêm các dịch vụ bảo dưỡng, buôn bán xe. Ngoài ra, ngành học chính của cháu là thiết kế đồ họa, cháu và một số bạn trẻ thành lập đội tự do làm việc theo hợp đồng cho các công ty như thiết kế phần mềm game, các mẫu quảng cáo thương hiệu và thiết kế sản phẩm.
Ngẫm lại tôi mới thấy mình dại khi cứ cố bám víu vào cuộc hôn nhân cũ để lãng phí 10 năm. Tôi đã quen dựa dẫm, sợ mình không sống nổi nếu tách khỏi chồng cũ và nhiều lý do khác như sĩ diện, hiếu thắng tranh chấp hơn thua, tôi nghĩ mình cố gắng bám víu để con có đủ cả tình cảm lẫn vật chất nhưng "già néo đứt dây" lại gây phản ứng ngược. Các con tuy vất vả thời gian đầu nhưng va chạm xã hội là cơ hội để chúng trưởng thành, có trách nhiệm và rèn luyện bản lĩnh, sự tự tin.
Chồng cũ của tôi hai năm trở lại đây thỉnh thoảng gửi mail hỏi han các con và đề nghị giúp đỡ các cháu nếu thiếu thốn. Tôi chỉ gửi số tài khoản để anh ta gửi tiền vào, các con tôi không biết nhưng tôi nghĩ của con mình thì cứ nhận, ngoài ra chẳng muốn trò chuyện hay gặp mặt. Anh không cưới cô bồ kia dù họ đã có thêm một con vì gia đình bên anh không đồng ý, mẹ anh cũng gọi điện nói chỉ nhận mẹ con tôi là con dâu, là cháu trong nhà. Đứa nhỏ kia không được vào hộ khẩu cũng không có tên trong gia phả, ngoài ra tiền bạc tài sản của anh được mẹ anh quản lý sát sao. "Để dành cho cháu tôi, ngày nào tôi còn sống thì con hồ ly kia đừng mơ bước chân vào nhà này", bà tam su tham kin với tôi như thế.
Gia đình, cơ quan và trường học đều rõ mối quan hệ của họ nên tôi nghĩ họ cũng chẳng dễ dàng gì sống trong dư luận. Những chị em phụ nữ nào đang ở trong tình trạng như tôi tốt nhất đừng so đo tranh chấp nhiều để mãi chịu cảnh lệ thuộc, tại sao không suy tính con đường sáng sủa hơn cho mình và các con. Quan trọng nên thay đổi tư tưởng và thái độ ù lỳ, ngại thay đổi của mình, có những chuyện nghĩ rằng mình không bao giờ làm được thực ra không ghê gớm như mình tưởng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét